Kênh đầu tư ưa thích, sinh lời trong dài hạn
Những tháng đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều địa phương đã xảy ra sốt đất nền cục bộ. Điều này được nhiều chuyên gia lý giải là thị trường bị kìm nén quá lâu do dịch bệnh, sẽ bùng nổ trở lại như "lò xo bị nén". Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, rất có thể sau khi dịch Covid-19 lần 4 được kiểm soát thị trường sẽ xảy ra cơn sốt đất nền nhẹ tại các tỉnh ven Tp.HCM – vốn là các địa phương đang còn nhiều cơ hội cho giới đầu tư địa ốc, nhu cầu đầu tư đất nền tăng nhanh những năm qua.
Theo ông Quang, có khoảng 80% nhà đầu tư có sẵn tiền và đang nóng lòng chờ ngày mở cửa trở lại để tìm sản phẩm mua vào. Lực cầu này sẽ tạo thanh khoản tốt khi mọi hoạt động được nới lỏng. Trong đó, sản phẩm đất nền ở vùng ven, có kết nối giao thông tốt... đặc biệt là của những chủ đầu tư uy tín tiếp tục là phân khúc được nhà đầu tư quan tâm.
Rất dễ quan sát ở các chu kỳ phát triển bất động sản, "sốt đất" là câu chuyện khá phổ biến, nhưng ít khi xảy ra sốt căn hộ hay sốt bất động sản nghỉ dưỡng. Nghiên cứu của Propzy cũng cho thấy từ trước đến nay, người Việt rất chuộng đầu tư đất nền vì nhiều lý do.
Trong đó, quan niệm đất đai là tài nguyên không sinh thêm trong khi dân số ngày càng tăng mạnh, tốc độ đô thị hóa nhanh. Nhà phố và đất nền trong đô thị được xem là dòng sản phẩm có thể khan hiếm theo thời gian. Cứ nhìn vào nhu cầu nhà đất ở, sự tăng trưởng dân số, sự phát triển của các khu công nghiệp, dân cư… thì đây vẫn là phân khúc lựa chọn đầu tư an toàn trong dài hạn của giới đầu tư địa ốc.
Chính sự khan hiếm này khiến giá đất luôn tăng dần theo thời gian. Với nhiều người Việt, ngôi nhà phải gắn liền đất mới được gọi là tài sản có giá trị. Chứng kiến sự tăng giá qua nhiều chu kỳ khiến nhiều nhà đầu tư mua và chờ đợi cơ hội tăng giá hoặc làm của để dành. Sở hữu đất nền cũng giúp nhà đầu tư chủ động phương án sử dụng như xây để ở, cho thuê hoặc để không cũng sinh lời mà không tốn công quản lý.
Đất nền vẫn là khẩu vị ưa thích của giới đầu tư địa ốc. Ảnh: Đất nền Bà Rịa - Vũng Tàu từng lên cơn sốt đầu năm 2021, nhà đầu tư tấp nập.
Theo ông Phạm Việt Anh, Tổng Giám đốc Hưng Vượng Holdings, nhiều khách hàng cũ của công ty đã có biên lợi nhuận gấp 2 - 3 lần, sau hơn 2 năm mua đất nền. Đây cũng không phải là câu chuyện cá biệt trên thị trường. Mới đây, doanh nghiệp này đã mua lại 2 dự án quy mô hơ 30ha ở Bà Rịa – Vũng Tàu từ chủ đầu tư Lan Anh sẽ công bố trong quý 4/2021, nhằm đón đầu xu hướng đầu tư đất nền hậu Covid-19.
Nói về lý do chọn đất nền để phân phối, phát triển, vị Tổng giám đốc trẻ này cho hay, nhu cầu mua đất nền của giới đầu tư vẫn rất lớn trên thị trường BĐS. Đã từng chứng kiến nhiều nhà đầu tư cá nhân giàu lên nhờ đầu tư đất nền, và đặc biệt, dù dịch, nhưng mức độ quan tâm đến đất nền vẫn cao, chứng tỏ khẩu vị của nhà đầu tư với phân khúc này vẫn rất mạnh.
Vị Tổng giám đốc này cho rằng, với phân khúc đất nền, yếu tố tác động mạnh nhất là hạ tầng, sau đó là khả năng thu hút dân cư. Về hạ tầng, đặc biệt là cao tốc sẽ có tác động mạnh đến giá trị bất động sản. Xung quanh các điểm đến của tuyến đường. Còn về khả năng thu hút dân cư thì ở các thị trường ven Sài Gòn chủ yếu ăn theo các khu công nghiệp lớn.
Chia sẻ thêm về kế hoạch của doanh nghiệp mình, ông Việt Anh cho biết, nắm bắt xu hướng thị trường, doanh nghiệp sẽ đưa ra thị trường 3.000 sản phẩm đất nền ven Sài Gòn trong thời gian tới. Các dự án chủ yếu tọa lạc tại các thị trường trọng điểm như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bảo Lộc, Đồng Nai và Phan Thiết… Điểm chung dễ nhận thấy là các thị trường này đều gắn với các tuyến cao tốc đã hoặc đang triển khai các bước từ quy hoạch đến thi công.
Báo cáo của Baddongsan.com.vn cũng chỉ ra, một trong những phân khúc được coi là tâm điểm của thị trường BĐS vẫn là đất nền. Trong quý 3/2021, đất thổ cư và đất nền dự án vẫn là hai loại hình nhận lượng quan tâm cao nhất trong trên toàn quốc.
Nhu cầu tìm kiếm BĐS đang có dấu hiệu tăng trở lại, NĐT lưu ý những yếu tố này
Dữ liệu thống kê của Remaps.vn trong 2 tuần trở lại đây cho thấy số lượng người tìm kiếm thông tin về bất động sản đã tăng khoảng 27% so với các tuần trước đó. Xu hướng này cũng đang duy trì với các website chuyên về bất động sản. Cùng với việc người mua quay trở lại, nhiều doanh nghiệp cũng mạnh dạn triển khai dự án mới ra thị trường.
Trong báo cáo chuyên đề về ngành bất động sản vừa mới công bố, các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, thị trường bất động sản có thể gặp khó khăn tạm thời trong quý 3/2021, do dịch Covid-19 đang bùng phát, song sẽ nhanh chóng trở lại mạnh mẽ ngay khi dịch được kiểm soát.
"Chúng tôi quan sát thấy nguồn cung bất động sản đang dần hồi phục nhờ nới lỏng pháp lý, trong khi nguồn cầu cũng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trên diện rộng, lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức thấp và cơ sở hạ tầng đang được tăng tốc phát triển. Do đó, chúng tôi cho rằng thị trường bất động sản có thể sẽ bước vào thời điểm thuận lợi từ quý 4/2021", nhóm phân tích cho hay.
Theo VNDirect, có 3 yếu tố thúc đẩy nhu cầu bất động sản trong nửa cuối 2021 và năm 2022.
Thứ nhất, thị trường phục hồi diện rộng giúp thúc đẩy ngành bất động sản trong nửa cuối 2021 và năm 2022. Theo quan sát của công ty chứng khoán trên, tốc độ triển khai tiêm chủng đang tăng lên nhanh chóng, giúp đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế thế giới trong nửa cuối năm 2021.
Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam có nhiều dư địa để tận dụng cơ hội khi sức mua toàn cầu phục hồi. Số liệu kinh tế tích cực của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 là chỉ báo rõ ràng cho sức phục hồi trong một vài năm tới.
Nhu cầu tìm kiếm BĐS đang có dấu hiệu tăng trở lại. Hầu hết chuyên gia BĐS dành lời khuyên, với bối cảnh này, NĐT nên xác định câu chuyện đầu tư dài hạn. Ảnh: Minh hoạ
Thứ hai, lãi suất vay mua nhà tiếp tục duy trì ở mức thấp giúp kích thích nhu cầu mua nhà. Lãi suất vay mua nhà ở các ngân hàng nội địa tương đối ổn định ở mức 9,2-9,5% trong nửa đầu năm 2021, vẫn là mức thấp nhất trong 10 năm. Lãi suất cho vay thế chấp dự báo sẽ vẫn được duy trì ở mức thấp trong năm 2021, từ đó sẽ hỗ trợ kích cầu bất động sản.
Yếu tố thứ ba, việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng trong tương lai. Cụ thể, Chính phủ đang có các động thái quyết liệt hơn thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối 2021, đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế hồi phục.
Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh, khoảng 30% nhà đầu tư phòng thủ, 70% nhà đầu tư vẫn tiếp tục tấn công BĐS. Thực tế, BĐS Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố tốt để đầu tư trong tương lai, sau dịch. "Trong nguy có cơ", cơ hội đầu tư BĐS vùng ven vẫn tốt ở thời điểm này, trong đó, đất nền ở các khu vực như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu…nhu cầu còn rất lớn.
Một khảo sát cho thấy, số lượng các NĐT muốn đầu tư vào BĐS trước khi dịch đợt 4 xảy ra (tính từ thời điểm tháng 5/2021) là 45% so với 35% muốn đầu tư vào chứng khoán. Dù dịch Covid-19 hành hoàng 3 tháng là tháng 6,7 và 8 nhưng theo ông Quang BĐS không giảm giá, chưa xuất hiện bán tháo, cho thấy dòng tiền vẫn chờ để chảy vào BĐS, các NĐT vẫn chờ đợi thị trường tốt lên sau dịch.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, nhà đầu tư BĐS cũng cần theo dõi thường xuyên về thị trường chứng khoán, lãi vay ngân hàng, bởi các yếu tố này tác động vào thị trường BĐS cực kì lớn. Đồng thời, làm gì thì làm thì nhà đầu tư cần chuẩn bị phương án 6 tháng chi phí. Có thể dịch còn kéo dài hơn dự kiến nên phải có chi phí dự phòng (ít nhất 6 tháng) cho việc đầu tư.
Còn theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam, lúc thị trường BĐS đang im ắng do dịch, nhà đầu tư sẽ dễ dàng lựa chọn được BĐS phù hợp. Nếu là nhà đầu tư mới, lúc này nên tham gia thị trường càng sớm càng tốt. Theo ông Kiệt, kế hoạch đến đầu năm 2022, chúng ta miễn dịch cộng cộng. Tuy nhiên, với phương diện là nhà đầu tư BĐS, cần xác định kịch bản dự phòng khi tình hình dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến.
Theo đó, trong đầu tư BĐS, các nhà đầu tư cần trang bị các kiến thức để tránh rủi ro khi tham gia thị trường BĐS. Nhà đầu tư phải định hình được mong muốn đầu tư ở khu vực nào, vùng thị trường nào đang và sẽ quan tâm. Tìm hiểu về nó từ bây giờ.
Vị chuyên gia này cho rằng, dù đầu tư phân khúc, thị trường nào nhà đầu tư cần xác định rõ chiến lược đầu tư của bản thân. Nếu đầu tư phòng thủ thì cần cân đối dòng tiền, tái cơ cấu khoản đầu tư, còn nếu đầu tư theo dạng tấn công thì tận dụng thời gian này để tìm sản phẩm giá tốt.
Điều quan trọng nhất theo ông Kiệt là nhà đầu tư phải quản lý được rủi ro dòng tiền đầu tư, kế hoạch tài chính của mình. Với bối cảnh hiện nay, đại dịch có thể tấn công lâu dài nên việc quản lý kế hoạch tài chính phù hợp với mục tiêu của bản thân là cực kì quan trọng.
Hạ Vy
Theo Nhịp sống kinh tế