Trong bảng xếp hạng thu nhập bình quân đầu người năm 2020, TP. HCM đứng thứ hai với 6,537 triệu đồng/người/tháng. Hà Nội ở vị trí thứ ba với 5,981 triệu đồng/người/ tháng.
Theo kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 7,019 triệu đồng/người/tháng.
TP. HCM đứng thứ hai với 6,537 triệu đồng/người/tháng. Hà Nội ở vị trí thứ ba với 5,981 triệu đồng/người/ tháng. Theo sau là các tỉnh có thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng là Đồng Nai, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Bà Rịa Vũng Tàu và Quảng Ninh đứng ở hai vị trí cuối cùng trong top 10, với thu nhập khoảng hơn 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhìn chung, thu nhập bình quân một người một tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,230 triệu đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019.
Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người một tháng chung cả nước tăng bình quân 8,1%. Thu nhập bình quân một người một tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,538 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,480 triệu đồng).
Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân một người một tháng tháng năm 2020 đạt 9,108 triệu đồng cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,139 triệu đồng.
Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (6,023 triệu đồng một người một tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,745 triệu đồng một người một tháng).
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư
Trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,3%, thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 11,2%, thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,9%, thu khác chiếm 10,6%. Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm.
Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 (viết gọn là KSMS 2020) được tiến hành theo Quyết định số 1261/QĐ-TCTK ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. KSMS 2020 là cuộc điều tra chọn mẫu nhằm thu thập thông tin để tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về mức sống hộ dân cư, đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê cho các cấp, các ngành để đánh giá mức sống, tình trạng nghèo đói và phân hoá giàu nghèo của dân cư theo hướng tiếp cận đa chiều.
KSMS 2020 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng thông tin về chi tiêu chỉ đại diện đến cấp toàn quốc và 6 vùng địa lý. Các thông tin được thu thập trong KSMS 2020 gồm: thu nhập, chi tiêu, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh, tham gia các chương trình trợ giúp của hộ dân cư và các thành viên trong hộ và một số đặc điểm của xã.
Nguồn: https://cafef.vn/lo-dien-top-10-tinh-thanh-co-thu-nhap-binh-quan-dau-nguoi-cao-nhat-nam-2020-ca-tp-hcm-va-ha-noi-deu-khong-dan-dau-2021052207360632.chn