Điểm qua những hạ tầng giao thông trọng điểm của Bà Rịa – Vũng Tàu

12.08.2022

Không chỉ có thế mạnh về phát triển công nghiệp, kinh tế biển, du lịch, khai thác hóa dầu cùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong những năm qua Bà Rịa – Vũng Tàu còn đẩy mạnh đầu tư xây dựng cở sở hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ.

+ Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là dự án đường cao tốc tại miền Đông Nam Bộ có tổng chiều dài 77,6km, được thiết kế quy mô đường cao tốc loại A, với 6 làn xe, tốc độ từ 100 – 120km/h, trong đó phần tuyến cao tốc dài 66 km, phần đường đô thị khoảng 2,8 km, phần tuyến theo quy mô II khoảng 8,8 km. Đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ (cao tốc) dài 38 km; đoạn Phú Mỹ - đường ven biển TP. Vũng Tàu (cao tốc) dài 28 km; đoạn từ đường ven biển TP. Vũng Tàu đến Quốc lộ 51C dài 2,8 km và đoạn nối Phú Mỹ - Quốc lộ 51 (vào cảng Cái Mép - Thị Vải) dài 8,8 km. Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có điểm đầu tại tuyến Võ Nguyên Giáp thuộc phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối nút là nút giao thông Ông Từ thuộc Phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ khởi công trước ngày 30/6/2023, cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ công trình trước ngày 30/9/2026, sau khi đi vào hoạt động cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu sẽ giải quyết được sự quá tải của Quốc Lộ 51, tuyến đường quan trọng kết nối với sân bay Quốc Tế Long Thành và đây cũng là tuyến đường kết nối nhanh nhất từ Đồng Nai đến Bà Rịa Vũng Tàu.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối giao thông giữa hai tỉnh Đồng Nao và Bà Rịa Vũng Tàu. 

+ Dự án sân bay Gò Găng: Tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu có tổng diện tích toàn sân bay khoảng 248 ha, cách sân bay cũ khoảng 15 km, đây là sân bay chuyên dùng, với quy mô là sân bay trực thăng cấp 3, sân bay quân sự cấp 2 khi có nhu cầu và dân dụng cấp 3C (ICAO), dự kiến tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó 1.258 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng.

 

Dự án sân bay Gò Găng tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu.

+ Dự án sân bay Lộc An Hồ Tràm: Tại hai xã Láng Dài và Lộc An, thuộc huyện Đất Đỏ có tổng diện tích sân bay khoảng 244 ha, phía Nam giáp đường Phước Hội – Lộc An, phía Tây giáp đường đất, phía Đông và phía Bắc giáp đất của dân. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 4.250 tỷ đồng, quy mô sân bay Lộc An Hồ Tràm đạt cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO với một đường băng có chiều dài 2.400 m, rộng 45 m, hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay hoàn chỉnh, khu nhà ga hành khách, đài kiểm soát tại sân bay, công trình phụ trợ kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật…Sân bay Lộc An Hồ Tràm có khả năng tiếp nhận các loại máy bay Airbus A320-20W, Airbus 321-20W, Boeing 737, phù hợp với đa số các dòng máy bay đang lưu hành trong nước và quốc tế.

Dự án sân bay Lộc An Hồ Tràm tọa lạc tại hai xã Láng Dài và Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Vũng Tàu.

+ Phà Bà Rịa Vũng Tàu – Cần Giờ: Có cự ly khoảng 15km, xuất phát từ bến Tắc Suất, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh, cập bến Vũng Tàu tại Cảng vụ đường thủy nội địa (127C, Trần Phú, phường 5), hành trình khoảng 40 phút. Tuyến phà Bà Rịa Vũng Tàu – Cần Giờ ngoài giúp rút ngắn cự ly đi lại, vận chuyển hàng hóa từ hai địa phương và ngược lại, chia sẻ áp lực giao thông đường bộ; đặc biệt là tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành – Dầu Giây thường xuyên ùn tắc vào dịp cuối tuần. Không những thế còn giúp kết nối giao thông cho người dân từ tỉnh các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhất là tỉnh Long An đi Bà Rịa-Vũng Tàu thông qua tuyến phà trung gian Cần Giờ-Cần Giuộc, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội và du lịch đường sông trong thời gian tới.

Phà Bà Rịa Vũng Tàu - Cần Giờ kết nối giao thông giữa TPHCM và Bà Rịa Vũng Tàu.

+ Cầu Phước An: Có tổng chiều dài hơn 4,3 km, trong đó cầu bắc qua sông Thị Vải dài 3,5 km, với 6 làn xe và các đường dẫn, đường kết nối xuống cảng Phước An. Kinh phí xây cầu từ vốn ngân sách tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2.879 tỷ đồng và Trung ương hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng phê duyệt phân bổ vốn. Sau khi hoàn thành cầu sẽ kết nối cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải với Đồng Nai và các cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP HCM- Long Thành - Dầu Giây, giúp vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh lân cận đến cảng được thuận lợi, đồng thời giảm tải cho quốc lộ 51.

Cầu Phước An nối liền Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu.

Hiện nay Bà Rịa – Vũng Tàu đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông từ đường hàng không, đường thủy và đường bộ, trong đó các tuyến quốc lộ 51, 55, 56 qua địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp theo quy hoạch, các tuyến giao thông kết nối nội vùng như đường vào KCN dầu khí Long Sơn, đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải, đường 991B, đường Phước Hòa – Cái Mép từng bước được đầu tư để kết nối đồng bộ hành lang tuyến kinh tế ven biển.