TPO - Tại Hội thảo “Thị trường bất động sản Bình Dương: Cơ hội đầu tư mới” do báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức sáng nay 1/10, các đại biểu đã nêu nhiều giải pháp để tháo gỡ “điểm nghẽn” giao thông của Bình Dương.
Bình Dương cần tháo gỡ "điểm nghẽn" giao thông để phát triển thị trường bất động sản
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, mỗi năm, Bình Dương cần thêm hàng chục ngàn lao động để đảm bảo phát triển các ngành công nghiệp, tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc Bình Dương nhiều năm liên tiếp nằm trong top các tỉnh thu hút FDI nhiều nhất cả nước đã kéo theo lượng lớn các chuyên gia đến từ nước ngoài về đây sinh sống và làm việc. Do đó, tiềm năng phát triển dự án nhà ở tại tỉnh là cực kỳ lớn.
Ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Bình Dương
Tổng số dự án được phê duyệt trên toàn tỉnh Bình Dương năm 2020 là 114 dự án. Đây là các dự án nằm trong danh sách đạt chuẩn và được phê duyệt bản đồ quy hoạch 1/500. Trong đó, thành phố Thủ Dầu Một có 15 dự án; thành phố Thuận An có 36; thành phố Dĩ An có 23; TX Tân Uyên có 23; TX Thị Xã Bến Cát có 11; huyện Bàu Bàng có 6.
Ông Ngân cho rằng, việc phát triển nhà ở, đô thị luôn được Tỉnh ủy, HĐND quan tâm chỉ đạo giải quyết. Ngoài thu hút nhiều dự án bất động sản, hiện tỉnh cũng quan tâm nhà ở xã hội, bởi tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa cao, người lao động đến từ nhiều nơi.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM
"Định hướng kế hoạch trong giai đoạn 2021- 2025, Bình Dương sẽ tiếp tục xây dựng đô thị mới kết hợp chỉnh trang đô thị cũ. Có phân khúc, phân khu nhằm đảm bảo kết cấu hạ tầng, đảm bảo quy hoạch. Tỉnh cũng tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi công năng các khu công nghiệp"- ông Ngân nói thêm.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cho biết, tỉnh Bình Dương có địa thế rất đặc biệt, rất thuận lợi để phát triển kinh tế, bất động sản và là nơi kết nối với các tỉnh thành khác.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia hội thảo
Tuy nhiên, ông Châu cho rằng thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần tạo điều kiện hơn nữa để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp không chỉ trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh đến đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, đối với tỉnh Bình Dương có nhiều lợi thế như có tầm nhìn quy hoạch tốt, trong đó phát triển nhà ở gắn liền với phát triển nhà ở xã hội.
"“Điểm nghẽn” của tỉnh Bình Dương là tính kết nối với các tỉnh lân cận, tắc nghẽn ở các cửa ngõ ra vào các tỉnh trong khu vực dù cơ sở hạ tầng giao thông nội bộ trong tỉnh rất tốt"- ông Lê Hoàng Châu nói và lấy ví dụ, một số đường giao thông chưa kết nối tốt với tỉnh Đồng Nai và TPHCM. Cụ thể trên tuyến đường quốc lộ 13 đi vào TPHCM thường xuyên kẹt xe, đường còn hẹp. Ngoài ra cả trong vận tải hàng hoá từ TPHCM đi Bình Dương cũng không được thuận lợi khi giao thông tắc nghẽn ở các cảng, nhà ga lớn đến TPHCM như ở ga Sóng Thần.
Tại hội nghị lần này, ông Lê Hoàng Châu cho biết, trước đó đã có gửi văn bản đến tỉnh Bình Dương xem xét giải quyết nhanh cho doanh nghiệp bất động sản, ngay sau đó doanh nghiệp phản hồi đã được lãnh đạo tỉnh Bình Dương giải quyết rất nhanh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh. “Chúng tôi đánh giá rất cao khi lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo điều kiện rất tốt cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài tỉnh đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới hi vọng tỉnh Bình Dương phát triển mạnh và “so kè” với TPHCM trong cơ cấu phát triển kinh tế” - ông Lê Hoàng Châu nói.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Eximrs
Dưới gốc độ nhà đầu tư, bà Trần Thi Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Eximrs đưa ra dự đoán, thị trường bất động sản ở tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm tới, bởi nguồn cung bất động sản TPHCM hiện nay đã khan hiếm, xu hướng người dân TPHCM giãn ra ngoại thành, ra các đô thi vệ tinh là rất lớn. Do đó, thị trường bất động sản tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển, nhất là TP.Dĩ An và TP.Thuận An của tỉnh Bình Dương sẽ được hưởng lợi.
Bà Tú tin tưởng, tỉnh Bình Dương có lợi thế cận kề TPHCM, có hạ tầng phát triển mạnh, đồng bộ; là tỉnh nộp ngân sách cao tốp đầu cả nước, thu hút vốn FDI thứ 3 cả nước và có nhiều khu công nghiệp, nhiều công nhân lao động.
Hiện tỉnh Bình Dương có hàng loạt dự án bất động sản lớn, chất lượng cao của các nhà đầu tư uy tín đến từ TPHCM, Hà Nội và hiện đang tiếp tục phát triển thị trường bất động sản ở phía Bắc tỉnh Bình Dương. “Kết hợp từ nhiều yếu tố, thị trường bất động sản còn phát triển mạnh mẽ”- Bà Tú khẳng định.
Số liệu từ Cục phát triển nhà ở - Bộ Xây dựng, cho thấy trong thời gian vừa qua, các địa phương doanh nghiệp bất động sản đã cố gắng và có nhiều cách làm để thị trường bất động sản đạt kết quả khả quan. Hiện nay cả nước có hơn 5.000 dự án bất động sản với 4,5 triệu tỷ đồng vốn đầu tư vào các dự án. Dư nợ tín dụng bất động sản chiếm 7,3% tuy nhiên tỷ trọng dư nợ tín dụng giảm dần từ 8% xuống 6,3%, có nghĩa là đầu tư bất động sản có triển vọng, đầu tư đa dạng hơn trước.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho rằng thời gian tới, thị trường bất động sản vẫn còn quan trọng và là đầu kéo các thị trường khác phát triển. Nếu thị trường bất động sản không phát triển được sẽ kìm hãm các lĩnh vực khác. Ông Khởi đặt câu hỏi trong và sau đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản thế nào? Vấn đề này sắp tới cần có hội thảo, nghiên cứu để đánh giá cụ thể.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng
“Hiện vẫn còn nhiều tồn tại như đầu tư bất động sản còn nhiều rủi rõ về pháp lý, nguồn vốn…Pháp luật hiện nay còn nhiều quy định cần được hoàn thiện để phù hợp với thực tế hơn, nhiều quy định còn chồng chéo, bất cập. Việc phát triển bất động sản hiện nay còn chịu ràng buộc với 14 luật, chưa kể các nghị định dưới luật…”, ông Khởi nói.
Hiện nay các dự án bất động sản còn lệ thuộc vào ngân hàng, do đó ngân hàng chỉ cần thay đổi là sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo ông Khởi vẫn còn một số tồn tại trong chính doanh nghiệp bất động sản, cụ thể: trong số rất nhiều doanh nghiệp hoạt động hiện nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp yếu về năng lực mà chỉ làm theo phong trào, hoạt động làm ăn không tuân thủ quy định, không chuyên nghiệp mà có dấu hiệu làm ăn lừa đảo…Hiện tượng “cò” bất động sản hoạt động môi giới không đúng quy định, gây "nóng sốt" thị trường bất động sản tức thời…
Diễn giả tham gia hội thảo
Theo ông Khởi, hiện nay tỉnh Bình Dương có 9 đơn vị cấp huyện nhưng đã có 3 thành phố trực thuộc tỉnh, có 28 khu công nghiệp (đứng thứ 3 cả nước). So sánh với nhiều tỉnh để thấy rằng, tỉnh Bình Dương có rất nhiều thuận lợi, lợi thế để phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Trong 2 năm gần đây tỉnh Bình Dương không có dự án bất động sản khu du lịch nghỉ dưỡng mà phát triển các dự án nhà ở. Cụ thể tỉnh Bình Dương hiện nay có hơn 100 dự án nhà ở.
Cụ thể trong quý 1 năm 2020 có 10 dự án cấp phép, 457 dự án đang triển khai. “Qua con số thống kê để thấy tỉnh Bình Dương đang phát triển sôi động các dự án bất động sản trong thời gian qua, thu hút rất nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn vào đầu tư”, ông Nguyễn Mạnh Khởi nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Khởi dự báo và cảnh báo trong thời gian tới sẽ xảy ra một số vấn đề mà tỉnh cần quan tâm chú ý như phát triển bất động sản phong trào, xin dự án rồi để đó không làm. Đây là một vấn đề hết sức lưu tâm, đặt ra cho tỉnh cần giải quyết.
“Theo tôi, sẽ xuất hiện những loại hình bất động sản không phù hợp với thực tế, không phù hợp với nhu thị trường, dẫn đến câu chuyện cần giải quyết thừa - thiếu. Đặc biệt sẽ dẫn đến các vi phạm pháp luật trong đầu tư kinh doanh bất động sản nếu không kịp thời nghiên cứu kỹ pháp luật (nhất là các dự án bất động sản lớn kéo dài nhiều năm)” – ông Khởi nhìn nhận.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục phát triển nhà ở - Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng gợi ý hiện nay cần quan tâm, đặt ra vấn đề phát triển đô thị xanh, đô thị năng lượng, đô thị thông minh…đáng sống trong thời gian tới.
“Cần nhanh chóng rà soát pháp lý để các doanh nghiệp bất động sản kịp thời phát triển. Có nhiều dự án rà soát 2-3 năm mà chưa xong thì làm sao doanh nghiệp bất động sản triển khai dự án”, ông Khởi nói.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển nhà nói thêm các vấn đề cần quan tâm, đó là tính minh bạch thông tin trên thị trường, có rất nhiều thông tin nhưng không tin nào chính xác, lấy từ đâu cũng là một vấn đề hết sức quan tâm. Thông tin về quy hoạch, mật độ dân số, thông tin về giao dịch thị trường…
Nguồn: https://www.tienphong.vn/dia-oc/binh-duong-muon-phat-trien-can-thao-go-diem-nghen-giao-thong-1729250.tpo